Xu hướng phát triển xanh của Bất động sản trong thời gian tới
Nội dung
Liên quan đến xu hướng Phát triển xanh của Bất động sản trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các yêu cầu từ nhiều phía, cùng Realcom – Cộng đồng Phát triển Bất động sản bền vững tìm hiểu:
Chính quyền địa phương và các sở ban ngành – Thời gian từ 3 – 10 năm tới
Hiện nay Bộ Xây dựng đang có nhiều dự thảo hướng đến việc áp dụng các chứng chỉ Công trình xanh, đặc biệt là cho các công trình có nguồn vốn ngân sách. Có kế hoạch triển khai đến các thành phố lớn, và hướng đến mục tiêu Phát thải bằng O, “Net Zero” vào năm 2050 của Thủ tướng chính phủ cam kết tại Diễn đàn COP26, Glasgow, Scotland.
Bộ Xây dựng đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích việc áp dụng và thực hiện công trình xanh tại Việt Nam. Và cũng đã có Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam được tổ chức định kỳ thường niên vào tháng 10.
Khi có các chế tài và bắt buộc thực thi từ phía các sở ban ngành, chắc chắn các công trình sẽ phải áp dụng các yêu cầu mới liên quan đến tiết kiệm năng lượng, nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao hiệu quả sử dụng, đảm bảo tiện nghi tốt hơn cho người sử dụng, và giảm thiểu các nguy hại gây ra cho môi trường xung quanh.
Việt Nam ngày một tham gia sâu rộng hơn với thế giới, các cam kết về bảo vệ môi trường, giảm phát thải, phát triển bền vững luôn được đề cập. Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam hiện cũng đã là thành viên chính thức của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới để hướng đến các yêu cầu ngày một nâng cao hơn cho ngành công trình xây dựng.
Nhu cầu từ phía người sử dụng – Bài toán cung và cầu – Thời gian 2 – 5 năm tới
Người dân tại các thành phố lớn đã có ý thức rất cao về chất lượng cuộc sống, có những đòi hỏi để đảm bảo sức khỏe, tiện nghi và cách thức tận hưởng cuộc sống. Qua đột dịch Covid, người dân lại càng chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe, chất lượng không khí, và ngay cả nguồn lương thực thực phẩm. Đã có nhiều xu hướng dịch chuyển từ trung tâm thành phố ra các vùng ven, đô thị mới với nhiều không gian xanh, mật độ xây dựng thấp, có không gian mặt nước, thông thoáng và đảm bảo sức khỏe.
Trải qua thời gian Work From Home, nhân viên văn phòng đã không còn phải bó buộc trong không gian văn phòng, áp dụng được mô hình Hybrid Working, cơ sở hạ tầng đi lại cũng thuận tiện, nên việc ở xa đã không còn là trở ngại lớn như trước đây.
Các từ khóa như hệ sinh thái xanh, công viên cây xanh, cây xanh… đã trở thành các từ khóa được nhiều người dân chú ý. Từ đó cũng xuất hiện các hình thức marketing của chủ đầu tư và đầu tư vào hạ tầng cảnh quan cây xanh tại các khu dân cư, dự án bất động sản.
Các dự án bất động sản lớn gần đây đều hướng đến các giá trị xanh này, chủ yếu là cây xanh thảm cỏ, mặt nước, nhưng đã tạo ra sự thu hút và chú ý ngay lập tức từ phía người mua. Các dự án này cũng dễ nhận các giải thưởng kiến trúc hơn, giải thưởng phát triển bền vững.
Người sử dụng sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn liên quan chủng loại vật tư xây dựng, trang thiết bị sử dụng thay vì chỉ đánh giá qua thẩm mỹ bên ngoài, chi phí và độ bền. Việc áp dụng chứng chỉ xanh sẽ không còn là ưu thế, đặc quyền, mà dần dần thành quyền lợi của người sử dụng. Người sử dụng cũng sẽ được đào tạo để hiểu về hướng dẫn sử dụng công trình xanh.
Chi phí đầu tư để đáp ứng cho các yêu cầu xanh dần dần đã trong khả năng, không chỉ dành riêng cho các công trình cao cấp, và có thời gian hoàn vốn hợp lý. Vấn đề cắt giảm hóa đơn điện nước sẽ trở thành bức thiết khi chi phí xăng dầu gia tăng.
Phát triển của các tiêu chuẩn thiết kế, khoa học công nghệ, trang thiết bị và con người
Các công trình xanh đã có những tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng và dần dần trở nên phổ biến hơn trong các hồ sơ bản vẽ thiết kế và thi công xây dựng.
Các chủng loại vật tư xây dựng, trang thiết bị đã có thể sản xuất được trong nước theo các yêu cầu kỹ thuật của công trình xanh, và với chi phí phù hợp hơn nhiều so với 5 – 10 năm trước. Chủ đầu tư đã bớt e dè và lưỡng lự khi phải đầu tư thêm các trang thiết bị tốt hơn và hiệu quả sử dụng hơn cho các công trình, đặc biệt là hệ thống điều hòa không khí, thang máy, kính cách nhiệt và hệ thống chiếu sáng.
Muốn phát triển bất động sản xanh, cần đội ngũ tư vấn thiết kế, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị vận hành đã có những am hiểu rõ ràng hơn về công trình xanh sau 10 năm xuất hiện tại Việt Nam.
Công trình xanh đạt chuẩn cụ thể – Kiểm định bởi bên độc lập có uy tín
- Các công trình đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, đạt các chứng chỉ phổ biến hiện nay (gồm 4 chứng chỉ LEED, EDGE, LOTUS và Green Mark).
- Các công trình nghiên cứu thêm các chuẩn mới về sức khỏe (gồm 2 chứng chỉ Well, Fitwel) và đô thị, cảnh quan (gồm 2 chứng chỉ LEED Neighborhood, SITES).
- Ngoài các tổ chức độc lập của Hội đồng Công trình Xanh, khi bắt buộc phải thực hiện chứng chỉ xanh thì sẽ có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, công ty tham gia vào thị trường để thực hiện công tác kiểm định.
- Các công trình xây dựng có thể sử dụng một hoặc nhiều chứng chỉ xanh, tùy thuộc đối tượng khách hàng, công năng, chi phí đầu tư và khả năng hoàn vốn. Các công trình cũng nâng dần các chuẩn xanh, và hướng đến việc phát triển bền vững của doanh nghiệp theo các tiêu chí đánh giá GRESB hay ESG (Environmental, Social và Governance), các mục tiêu cắt giảm khí thải, phát thải bằng 0 “Net Zero”.
Xu hướng Phát triển xanh trong bất động sản phải Nhanh chóng (do từ các yêu cầu của chính quyền địa phương trong tương lai), Thực tế (do hiểu biết của khách hàng và yêu cầu cho cuộc sống chất lượng tốt hơn) và Hiệu quả (do tiêu chuẩn thiết kế, công nghệ, trang thiết bị và con người đã hoàn thiện hơn).