3 điểm nhấn ảnh hưởng đến thị trường tài chính xanh trong bất động sản 2021

Nội dung

1. Thực trạng tài chính xanh tại Việt Nam


3 điểm nhấn ảnh hưởng đến thị trường tài chính xanh trong bất động sản 2021

Hội thảo trực tuyến với “Công trình xanh – Tài chính xanh trong phát triển dự án bất động sản” – RealCom tổ chức ngày 6/1/2022

1.1 Thực trạng thị trường tài chính xanh tại Việt Nam

Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam còn nhiều mới mẻ với các thành viên tham gia thị trường nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Việc phát triển thị trường vốn xanh cho các dự án xanh là một trong những nội dung cần thiết để phổ cập, hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong thời gian tới.

Dư nợ “tín dụng xanh” tiếp tục gia tăng

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,5 triệu tỷ đồng, kéo theo đó, số dư nợ “tín dụng xanh” tiếp tục gia tăng.

Như vậy, trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng “tín dụng xanh” lên đến 378,9%, trung bình tăng 63,1%/năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn này.

Tuy nhiên “Tín dụng xanh” hiện tại chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn. Đối với toàn thể hệ thống ngân hàng, “tín dụng xanh” ở thời điểm này vẫn rất hạn chế.

Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai. Các hoạt động của thị trường chủ yếu mới ở bước khởi động. Đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển. 

Thị trường trái phiếu xanh

Thị trường trái phiếu xanh mới ở dạng thử nghiệm, và chỉ là Trái phiếu Chính phủ, chưa phát triển Trái phiếu doanh nghiệp xanh. Các cơ quan chức năng đang vận hành các chương trình nhằm nâng cao nhận thức, giới thiệu các loại trái phiếu xanh.

Thị trường cổ phiếu xanh

Thị trường cổ phiếu xanh ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tạo lập, chưa có khung chính sách phát triển thị trường cũng như các quy định về các sản phẩm (quy cách, điều kiện phát hành…). Các cơ quan chức năng đang đưa ra các chương trình, chỉ số khuyến khích doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững. 

Các hoạt động chính đã được triển khai đến nay có thể được chia thành 3 nhóm:

  • Nâng cao hiểu biết toàn thị trường về tài chính xanh
  • Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp với tài chính xanh
  • Xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường.

Về việc phát triển các trung gian tài chính xanh

Có 3 ngân hàng thương mại áp dụng được Hệ thống quản lý trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESMS), 17 ngân hàng thương mại đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ và đa phần đã thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. 

Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng thương mại chưa có bộ phận riêng, chuyên trách về phát triển ngân hàng – tín dụng xanh.

Trong việc triển khai tín dụng xanh

Thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, trong khi hiệu quả tài chính chưa cao. 

Bên cạnh đó, các vấn đề về kỹ thuật, kinh nghiệm trong thẩm định dự án xanh cũng là hạn chế lớn đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Chính do công nghệ và dự án mới nên kinh nghiệm của chủ đầu tư và ngân hàng chưa nhiều, có thể tiềm ẩn rủi ro cao.

Đối với đầu tư xanh

Theo kết quả khảo sát nhận thức đầu tư xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, những nhân tố tác động tới đầu tư xanh của doanh nghiệp bao gồm: 

  • Cơ sở hạ tầng cho đầu tư xanh
  • Khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tài trợ cho hoạt động đầu tư xanh
  • Ưu đãi tiếp cận vốn cho đầu tư xanh
  • Hiểu biết đầu tư xanh
  • Hỗ trợ từ Chính phủ, ngân hàng về tiếp cận vốn cho đầu tư xanh
  • Nguồn vốn có thể tiếp cận cho đầu tư xanh
  • Những ưu đãi đặc thù của đầu tư xanh. 

Phần lớn các doanh nghiệp khảo sát chưa thực sự biết tới quỹ đầu tư xanh, vốn xanh như phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh và các công cụ huy động nợ xanh khác.

Ý thức trách nhiệm của người dân

Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được vận động để tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng về cơ bản ý thức trong các hoạt động hàng ngày chưa được hình thành một cách rõ nét. Các khái niệm về tăng trưởng xanh, tài chính xanh chưa được phổ cập rộng rãi cho mọi đối tượng trong xã hội.

1.2. Chính sách phát triển tài chính xanh

Chính phủ đã có chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số Nghị định triển khai, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng có một số Thông tư khuyến khích.

Theo đó, Chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tập trung vào 03 nhiệm vụ sau đây: 

  • Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
  •  Xanh hoá sản xuất
  •  Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Bộ Tài chính đã xây dựng định hướng phát triển thị trường tài chính xanh theo Quyết định số 2183/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 vào tháng 10/2015 (Quyết định 2183). Trên cơ sở đó, các quy định pháp luật cụ thể được ban hành là Thông tư số 155/2015/TT-BTC, Nghị định 95/2018/NĐ-CP.

Quyết định số 2183/QĐ-BTC là văn bản nền tảng trong phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam. 

Bộ Tài chính xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính bao gồm: 

  • Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: 

+ Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh)

+ Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh

+ Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon
+ Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành

  • Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở GDCK nghiên cứu xây dựng khung tài chính xanh cho thị trường vốn như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

2. Thực trạng thị trường tài chính xanh ngành BĐS

2.1. Chính sách, định hướng tín dụng xanh cho ngành BĐS

Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển công trình xanh tại nước ta như:

  • Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. 
  • Quyết định số 1552/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
  • Năm 2018, Quyết định số 1731/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
  • Quyết định số 986/QĐ-NHNN phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó bổ sung nội dung về tín dụng ngân hàng xanh, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng.

2.2. Doanh nghiệp bất động sản chưa chạm đến nguồn tài chính xanh

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng tín dụng xanh nhưng các doanh nghiệp bất động sản chưa chạm đến bất kỳ một gói tín dụng nào, thậm chí trong số con số ít ỏi các dự án đang được thực hiện đánh giá rủi ro thì số lượng công trình xanh cũng rất nhỏ bé.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ có 36 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ khoảng 1 triệu 184 nghìn tỷ đồng. Tập trung chủ yếu vào nông nghiệp xanh, còn đối với công trình xanh ngay cả dư nợ đánh giá rủi ro môi trường xã hội (không phải là dư nợ tín dụng – PV) còn khá hạn chế, chiếm tỷ trọng 0,42% tổng dư nợ được cấp tín dụng xanh.

Theo ông Trịnh Tùng Bách – Giám đốc Ban R&D Tập đoàn Capital House, trong 16 năm phát triển các dự án bất động sản, doanh nghiệp này chưa tiếp cận được bất kỳ một gói tín dụng nào trong phát triển các dự án xanh từ phân khúc cao cấp cho tới các dự án nhà ở xã hội.

Bà Phạm Thị Thu Hà – Phó Trưởng Phòng Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho biết, pháp luật hiện chỉ quy định ưu đãi thuế, tài chính và đất đai cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng… Còn đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản, chưa có ưu đãi về thuế, đất đai mà chỉ được xem xét hỗ trợ lãi suất nhưng cũng rất khó để tiếp cận. Hiện cũng chưa có hình thức ưu đãi nào về thuế, tài chính hay đất đai cho người mua nhà của các dự án bất động sản sử dụng hiệu quả năng lượng.

3. Điểm nhấn ảnh hưởng đến thị trường tài chính xanh trong bất động sản 2021

3.1 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26, cam kết về các biện pháp giảm phát thải, trong đó có các biện pháp tài chính

Tại hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050″. 

Qua đó, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Đồng thời, Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững.

Ngoài ra, tại COP26 đã có 196 quốc gia đồng ý với ‘Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow’ – hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C; đồng ý với quy tắc minh bạch về giảm phát thải, tiêu chuẩn giao dịch carbon (Bộ quy tắc về Thỏa thuận khí hậu Paris).

3.2 Vương quốc Anh hợp tác định hướng xây dựng thị trường vốn xanh tại Việt Nam

Hội thảo “Báo cáo Khảo sát và Khuyến nghị hướng tới xây dựng Thị trường vốn xanh” đã được Đại sứ quán Anh phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức vào ngày 17/12/2021.

Đây là hoạt động thuộc Hợp phần Tài chính xanh của Chương trình Hỗ trợ Các-bon thấp của Vương quốc Anh dành cho các nước ASEAN (LCEP, 2019-2022) do Ernst & Young là đơn vị chủ trì tư vấn.

Nội dung nghiên cứu và phân tích của báo cáo bao gồm khảo sát các bên tham gia thị trường (thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) để tìm ra những thách thức, vướng mắc của thành viên thị trường khi tiếp cận và phát hành trái phiếu xanh và thực hành báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Trong những năm vừa qua, phát triển bền vững đã trở thành một xu hướng chung trên toàn cầu. Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), nhu cầu đầu tư xanh của khu vực ASEAN lên đến 200 tỷ đô la mỗi năm. Đây là một cơ hội rất lớn cho hệ thống tài chính. Tính riêng trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường đầu tư xanh và bền vững của khu vực ASEAN đã đạt giá trị 12.1 tỷ đô la phát hành, tăng 5.2% so với 2019. 

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đánh giá bối cảnh ở Việt Nam, Ernst & Young đưa ra khuyến nghị về những nhóm hành động mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện để thúc đẩy thị trường vốn xanh, với các mục tiêu cụ thể bao gồm thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và cải thiện số lượng và chất lượng báo cáo ESG.

Nghiên cứu đã đề xuất một khung kế hoạch hành động thúc đẩy thị trường vốn xanh cùng lộ trình triển khai trong giai đoạn 5 năm, hướng tới xây dựng thị trường vốn xanh mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể chủ trì thực hiện hoặc tham gia phối hợp thực hiện với các bên liên quan, và các hành động cần ưu tiên triển khai ngay trong năm 2022.

3.3 Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Công trình xanh – Tài chính xanh trong phát triển dự án bất động sản” do Realcom tổ chức

Ở buổi hội thảo ngày 6/1/2022 các diễn giả đã thảo luận về vấn đề vốn và tài chính cho bất động sản xanh một cách cụ thể.

Ông Trần Thành Vũ – Chủ tịch Hội Mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng chia sẻ rằng, BĐS xanh bị ảnh hưởng bởi những tính toán liều và ẩu trên thị trường nên khiến chi phí cho hệ thống kỹ thuật bị “phóng đại” lên rất nhiều.  Điều đáng buồn ở đây đó là mô hình dự báo vận hành công trình giúp cụ thể các khoản chi phí (điều các chủ đầu tư quan tâm) chưa xuất hiện ở Việt Nam, chính vì vậy không phải chủ đầu tư nào cũng hiểu rõ điểm này.

Cũng theo ông Vũ, phân loại công trình tiết kiệm năng lượng là cơ sở then chốt để “mở chốt” các ưu đãi về thuế, lãi vay, tầng cao, mật độ xây dựng, thủ tục cấp phép xây dựng…

Theo ông Hoàng Anh Dũng – chuyên gia Năng Lượng của công ty responsAbility investment AG và quỹ GCPF, bất động sản xanh là một xu hướng đầu tư vô cùng tiềm năng, tuy nhiên còn tương đối nhiều bất cập nên hiện trên thị trường có rất ít dự án liên quan.

Lý giải điều này, ông cho rằng nguyên nhân chính là do chưa có sự kết nối chính thức nào giữa Nhà nước và chủ đầu tư: Nhà nước chưa hề có bất kỳ chính sách khuyến khích nào cho chủ đầu tư thấy rõ lợi ích của mình. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm bất động sản còn nằm trong danh sách hạn chế bởi ngân hàng Nhà nước. Lý do cuối cùng là rất ít chủ đầu tư đưa ra được phương hướng cụ thể về vấn đề xây dựng sản phẩm chắc chắn vươn tới khách hàng.

Theo ông Dũng, đòn bẩy tài chính kích thích phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ kỹ thuật, đầu tư dự án sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí CO2, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo đồng thời giảm tiêu cực đến môi trường và xã hội. “Cần có thêm chính sách khuyến khích từ Chính phủ, bộ ngành cho các dự án bất động sản xanh cũng như cơ chế, quy trình phát triển cụ thể”.

Chuyên gia cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, việc thu hút vốn vào bất động sản xanh thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài rất hạn chế vì bất động sản nói chung là sản phẩm khá rủi ro. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã thành công khi phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt, cam kết cho cộng đồng rất tốt, cùng với đó là doanh nghiệp cũng có định hướng và chiến lược rõ ràng trong phát triển cũng như nắm được các yêu cầu của tổ chức quốc tế.

Bà Nguyễn Bích Ngọc – CEO & Founder Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sen Vàng cũng bổ sung: “Việc phát hành trái phiếu xanh là vấn đề mà các tập đoàn, chủ đầu tư lớn cần quan tâm. Vì đó không chỉ là câu chuyện thu hút vốn để phát triển mà còn khẳng định thương hiệu doanh nghiệp. Các quỹ nước ngoài họ yêu cầu cao nên chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác đến với các quỹ để tìm kiếm sự tư vấn, qua đó sẽ có định hướng để thu hút vốn trong tương lai”.

4. Kết luận-dự báo

4.1 Xu thế tất yếu nhưng nhiều rào cản

BĐS xanh có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên còn tương đối nhiều bất cập nên hiện trên thị trường có rất ít dự án liên quan, trong đó lý do từ phía tài chính hỗ trợ cho thị trường này chưa phát triển.

Ở góc độ quản lý, thì cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho tín dụng xanh cũng như liên quan đến tín dụng xanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững còn chưa hiệu quả và đồng bộ. Trong đó, chính sách về nghiệp vụ cho vay tín dụng xanh được hầu hết các ngân hàng thương mại cho rằng vẫn là rào cản lớn nhất, tiếp đến vấn đề bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản đảm bảo, chính sách về đầu tư, nghiệp vụ tài trợ thương mại (bảo lãnh và chiết khấu)…

Trong năm 2021, tuy có điểm nhấn nổi bật là cam kết của chính phủ Việt Nam tại COP21, song về thực tế chương trình hành động chưa được thực thi bằng các chính sách trực tiếp. 

4.2 Giải pháp thúc đẩy

Để phát triển tín dụng xanh hiệu quả, theo khuyến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài này thuộc Trường Đại học Thương mại, công bố tại Hội thảo về phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong bối cảnh mới, diễn ra ngày 12/10/2021, thì Nhà nước cần xây dựng khung chính sách, khuôn khổ pháp lý đồng bộ, cụ thể, rõ ràng, thống nhất về ngân hàng xanh cho các tổ chức tín dụng; có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức tín dụng phát triển ngân hàng xanh; đẩy mạnh đào tạo và truyền thông; có chính sách thuế ưu đãi đối với các khoản cho vay tín dụng xanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Về phía các tổ chức tín dụng, cần xây dựng khung chiến lược về phát triển ngân hàng xanh theo các cấp độ từ thấp đến cao; thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội một cách toàn diện; xây dựng các chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực môi trường nhạy cảm; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức về tín dụng xanh và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Cũng ở góc độ nghiên cứu khoa học, PGS. Nguyễn Thị Thanh Tú – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt – Nhật, cho rằng: Ngân hàng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh thông qua cung cấp tín dụng xanh. Do vậy, cần có tác động cả về chính sách và sự chủ động của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp tín dụng xanh tới các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động chuyển sang đầu tư xanh. Cần làm rõ vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc cung cấp các khoản tín dụng xanh cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cũng không nên quá nghiêng về việc ưu đãi tín dụng cho các dự án đầu tư xanh, mà cần đánh giá cả các tác động ngược từ các khoản tín dụng cho vay xanh.

Fanpage: https://www.facebook.com/realcomvietnam

Tham gia Group Zalo tại: https://zalo.me/g/aqfiga831 

Tham khảo thêm các bài viết tại đây. 

Bình luận